Từ phí phạt bất hợp pháp đến bạo lực – Vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đối với thuyền viên nước ngoài visa E-10. Phân biệt đối xử với người nước ngoài 84%, bạo lực 42.6%, cứ 10 người thì 9 người đã bị xúc phạm bằng lời nói.
Ngày mùng 4 tháng 10 vừa qua, Ủy ban Nhân quyền quốc gia đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Báo cáo tổng kết về thực trạng khảo sát vấn đề nhân quyền của người lao động nước ngoài trong ngành ngư nghiệp và Thảo luận của các chuyên gia nhân quyền về vấn đề nhân quyền của các thuyền viên người nước ngoài”. Đây là buổi thảo luận nhằm nêu lên thực trạng tìm ra các giải pháp để khắc phục vấn đề vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền của thuyên viên nước ngoài. Buổi thảo luận đã diễn ra với sự tham dự đông đảo của các cơ quan chuyên ngành như: Bộ đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc, Liên đoàn thủy sản Quốc gia, Hiệp hội các chủ tàu và các cá nhân là Luật sự, Đoàn thể nhân quyền lao động nước ngoài, các thuyền viên nước ngoài…
Được sự ủy thác của Ủy ban Nhân quyền quốc gia, Viên nghiên cứu đa văn hóa quốc tế Trường đại học Hanyang trong vòng 6 tháng qua (từ tháng 3 năm 2012) đã tiến hành cuộc điều tra về thực trạng vi phạm nhân quyền đối với các thuyền viên người nước ngoài. Đây là cuộc điều tra khảo sát đầu tiên trong phạm vi toàn quốc với sự tham gia đóng góp của 178 lao động nước ngoài làm việc trên tàu thuyền và các chủ tàu, Liên đoàn thủy sản quốc gia, Các cơ quan quản lý…
Những thuyền viên nộp phí phạm pháp 12. 660.000won và trở thành lao động bất hợp pháp.
Theo kết quả điều tra, những lao động nước ngoài ngay từ những giai đoạn đầu trong quá trình đăng ký nhập cảnh Hàn Quốc đã bị vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền. Liên đoàn thủy sản Hàn Quốc có quy định chi phí xuất khẩu lao động nước ngoài giới hạn trong khoảng từ 3.000.000won đến 3.500.000won nhưng theo kết quả điều tra, các lao động
Việt Nam phải nộp trung bình 12.660.000won, lao động Trung Quốc nộp 10.710.000won…
Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của các thuyền viên vô cùng thiếu thốn, nghèo nàn. Theo kết quả trả lời phiếu điều tra, các thuyền viên người nước ngoài đã phải làm việc trung bình 13.9 giờ trong một ngày, có 49.4% thuyền viên không được nghỉ bất cứ một ngày nào trong tuần. Nhưng những thuyền viên này cũng không nhận được đầy đủ tiền lương cơ bản theo luật pháp. Các lao động nhập cảnh vào Hàn Quốc từ trước tháng năm 2012 chỉ nhận được tiền lương tháng khoảng 900.000won. Do đó mà có rất nhiều người đã bỏ trốn và trở thành lao động bất hợp pháp. Theo thống kê trên thực tế tháng 12 năm 2011, có 19.3% lao động làm việc theo visa phổ thông bỏ trốn, nhưng những lao động làm việc trên tàu thuyền theo visa E-10 có tỉ lệ bỏ trốn là 31.4%.
Những thuyền viên nước ngoài đa phần “Không biết đến Bảo hiểm tai nạn lao động”
Thêm một vấn đề đáng kể nữa, là trong quá trình ký hợp đồng lao động, chỉ có chưa đầy 16.1% lao động được đọc nội dung hợp đồng bằng tiếng mẹ đẻ. Đa phần những người khác đều làm việc trong tình trạng không biết gì về điều kiện lao động. Có 58.3% lao động không biết gì về bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động cho thuyền viên khi gặp các vấn đề về sức khỏe hay tai nạn lao động. Những người có gia nhập bảo hiểm chỉ chiếm một phần khiêm tốn là 44.4%.
Không chỉ thế, có tới 93.5% thuyền viên nước ngoài cho biết đã từng bị mắng chửi, bạo lực bằng lời, có 42.6% người đã trực tiếp bị hành hung, bạo lực; có 84% bị phân biệt đối xử vì là người nước ngoài. Những kết quả trên đây cho thấy những thuyền viên người nước ngoài tại Hàn Quốc đang bị xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Những cơ sở quản lý nhận phí dịch vụ và giới thiệu việc làm trái phép.
Song song với tình trạng trên, có những cơ quan quản lý, có nhiệm vụ phải kiểm tra và hỗ trợ, giúp đỡ các thuyền viên nước ngoài nhưng đa phần, khi người lao động liên lạc thì không hề nhận được bất cứ sự viện trợ nào. Những trường hợp xin đăng ký tái gia hạn visa, tái ký hợp đồng hay đổi nơi làm việc cũng bị đánh chi phí dịch vụ rất cao. Có cả những vụ việc cơ quan quản lý nhận tiền để giới thiệu việc làm bất hợp pháp cho người lao động nước ngoài.
Trong cuộc hội thảo trên, một thuyền viên người Trung Quốc đã chia sẻ: Khi gặp sự cố, công ty quản lý tại Hàn Quốc đã không giải quyết hộ chúng tôi mà bắt chúng tôi phải nộp tiền trước. Nếu chúng tôi muốn đổi sang tàu khác, thì tùy thuộc vào “phí dịch vụ” mà chúng tôi sẽ được giới thiệu cho thuyền tốt hay thuyền xấu. Khi làm việc, có người bị gãy, đứt ngón tay phải chuyển vào bệnh viện nhưng phía công ty cũng không hề có động thái giúp đỡ, hỗ trợ nào.
Tăng cường tính cộng đồng, tuyệt đối không được phân biệt đối xử với thuyền viên nước ngoài.
Nhóm thực hiện cuộc khảo sát và các chuyên gia phụ trách về vấn đề trên nhân buổi thảo luận này đã đưa ra những giải pháp để tăng cường tính cộng đồng, bảo vệ thuyền viên nước ngoài như: ký Biên bản khi nhớ, xây dựng Luật thuyền viên. Khi chủ tàu thuê thuyền viên người nước ngoài phải tuyệt đối tuân thủ các nội dung trong Bản hợp đồng lao động tiêu chuẩn, nâng cao ý thức trong việc đối xử công bằng với các thuyền viên trong và ngoài nước…Ủy ban Nhân quyền quốc gia qua hội thảo này đã thu thập các ý kiến đa dạng, phong phú để lập báo cáo đệ trình lên chính phủ trong năm nay.
Phát biểu của một thuyền viên nước ngoài
Xin hãy nghĩ về việc : Tại sao các thuyền viên nước ngoài phải bỏ trốn Yoo An Uy (Tên giả, thuyền viên người nước ngoài)
Xin chào quý vị. Tôi đến Hàn Quốc theo diện thuyền viên thực tập sinh vào tháng 12 năm 2005. Lúc đó tôi đã nộp cho công ty xuất khẩu lao động Trung Quốc 7 vạn jan (tính theo tỉ giá lúc đó là 12 triệu won) để được đến Hàn Quốc. Công việc trên thuyền vô cùng vất vả, nguy hiểm, tiền lương cũng thấp nhưng tôi đã cố gắng làm việc được 5 năm. Và đến năm 2010, tôi được nhận visa E10, tiếp tục làm việc trên tàu Hàn Quốc.
Khi làm việc với tư cách Visa E-10 được 4 tháng, tôi bị đứt ngón tay trên tàu trong quá trình làm việc. Tôi rất muốn nhờ người Hàn Quốc giúp đỡ nhưng vì không biết tiếng Hàn nên tôi không biết nói thế nào. Sau khi xuống thuyền, tôi có nói với nhân viên người Trung Quốc của công ty quản lý nhưng họ cũng không hướng dẫn cho tôi phải làm gì và cũng không giải quyết bảo hiểm tai nạn lao động cho tôi. May mắn là tôi có biết một mục sư người Hàn Quốc giỏi tiếng Trung nên tôi đã được giúp đỡ nhận tiền bảo hiểm lao động. Nhưng ngay sau khi điều trị, công ty quản lý đã yêu cầu tôi phải lên thuyền làm việc. Khi lên tàu, tôi phải làm trong nhà kho lạnh, sợ sẽ làm vết thương ở ngón tay bị đứt sưng lên nên tôi đã đề đạt muốn xin đổi tàu với công ty quản lý. Công ty quản lý không muốn giúp đỡ tôi, nhưng có nói nếu nhận được phí quản lý đều đặn thì sẽ giúp tôi đổi tàu.
Tôi bắt đầu làm việc tại tàu mới. Nhưng lần này lại gặp vấn đề với thuyền viên người Hàn Quốc. Hầu như lúc nào tôi cũng bị những thuyền viên người Hàn Quốc, dù là trên tàu cũ hay tàu mới chửi mắng. Vì không biết tiếng, nên tôi luôn phải nhìn theo động tác của những thuyền viên khác, để ý mọi nơi mọi lúc trên tàu. Vừa làm vừa phải nghe chửi mắng nên tôi thấy vô cùng nặng nề. Không chỉ thế, cùng là công việc, nhưng nếu thuyền viên người Hàn Quốc mệt có thể nghỉ bất cứ lúc nào, còn chúng tôi, dù có đau đến mức không nuốt nổi cơm cũng phải liên tục làm việc. Những thuyền viên Hàn Quốc đa phần là những người lớn tuổi nên họ không làm được những công việc nặng nhọc, phần lớn những việc nặng nhọc trên tàu do lao động nước ngoài đảm nhiệm. Nhưng tiền lương thì người Hàn Quốc luôn luôn được nhận nhiều hơn chúng tôi. Khi bắt được nhiều cá cũng chỉ có người nước ngoài được nhận tiền thưởng.
Ngay từ khi mới bắt đầu làm việc cho đến bây giờ, chưa lần nào tôi được nhận tiền lương qua sổ tài khoản. Bao giờ chúng tôi cũng được “dạy bảo” là: Bao giờ muốn gửi tiền về nhà thì sẽ được cho hẳn “một cục”. Tất cả thuyền viên nước ngoài đều như thế nên không có gì phải lo lắng. Có nhiều khi tôi nói với đội trưởng muốn gửi tiền về nhà thì được cho biết: “Bây giờ công ty chưa có tiền, để mấy ngày nữa sẽ đưa cho” và họ bắt chúng tôi đợi vô thời hạn. Gia đình ở Trung Quốc của tôi có việc gấp phải cần tiền mà không có cách nào gửi được nên tôi vô cùng khổ sở, lo lắng.
Tất cả những giấy tờ tùy thân như: Thẻ đăng ký người nước ngoài, Sổ tài khoản cũng đều do công ty bảo quản. Hai tháng trước, khi đang làm việc thì đột nhiên một thuyền viên người Hàn Quốc xông vào đánh tôi. Lúc đó tôi không bị thương nặng, nhưng vì sợ nếu cứ tiếp tục làm sẽ bị đánh như vậy nên tôi đã xuống thuyền bỏ trốn. Thời hạn visa của tôi vẫn còn nhưng giờ đây tôi đã trở thành lao động bất hợp pháp. Chúng tôi phải làm và sống như thế nào trên đất nước Hàn Quốc?
Liên đoàn thủy sản hay Cảnh sát hàng hải, các công ty quản lý không hề quan tâm đến lời nói của chúng tôi và cũng không giúp đỡ chúng tôi. Tôi mong mỏi có một đoàn thể giúp cho chúng tôi có thể phát ngôn lên tiếng nói của chính mình. Để đề phòng việc chúng tôi bỏ trốn, hãy lắng nghe và tìm hiểu tại sao chúng tôi phải bỏ trốn chứ không phải là tước đoạt giấy tờ tùy thân và không trả lương cho chúng tôi.
(Nguồn: Thông tin Hàn Quốc)
Deprecated: File Theme without comments.php is deprecated since version 3.0.0 with no alternative available. Please include a comments.php template in your theme. in /home/u389947243/domains/dgckorean.edu.vn/public_html/wp-includes/functions.php on line 6085