Làn sóng văn hóa Hàn Quốc vượt khỏi phạm vi châu Á

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc vượt khỏi phạm vi châu Á

06 / 06 / 2021 - Tìm hiểu Hàn Quốc


“Bản tình ca mùa đông”mở đầu làn sóng văn hóa Hàn Quốc]

Bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Bản tình ca mùa đông” bắt đầu được trình chiếu từ tháng 4 năm 2003 trên kênh truyền hình vệ tinh số 2 của Đài phát thanh và truyền hình NHK của Nhật Bản. Câu chuyện tình đẫm nước mắt này đã ngay lập tức gây ra một cơn bão hâm mộ tại xứ hoa anh đào.

Bộ phim kể về mối tình đầu trong sáng giữa Joon-sang (do nam diễn viên Bae Yong-joon đóng) và Yu-jin (do nữ diễn viên Choi Ji-woo đóng) được nhen nhóm từ mái trường cấp ba tại thành phố nhỏ Chuncheon. Mối tình ấy tưởng như đã chấm dứt khi Joon-sang bị mất trí nhớ do tai nạn giao thông và sống với cái tên Lee Min-hyung. Nhưng 10 năm sau đó, sự tình cờ của số phận đã đưa anh trở lại thành phố Chuncheon để tìm lại ký ức, và từ đó viết tiếp câu chuyện tình yêu với Yu-jin, người con gái chưa từng giây phút nào quên anh.

Câu chuyện tình yêu như cổ tích của hai nhân vật chính trong phim được kể trên nền bối cảnh lãng mạn tuyệt đẹp đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả xem truyền hình ở Nhật Bản. Sự nổi tiếng của “Bản tình ca mùa đông” đã mở màn cho sự lan rộng trên toàn thế giới của làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

[Xuất hiện thuật ngữ “Hallyu” – Làn sóng văn hóa Hàn Quốc]

Việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào năm 1992 đã trở thành nền tảng để văn hóa đại chúng của Hàn Quốc tiến vào thị trường này. Bắt đầu từ bộ phim “Ghen” được phát sóng vào năm 1993, sau đó là “Tình yêu là gì?” lên sóng vào năm 1997 trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), phim truyền hình Hàn Quốc đã dần dần có được sự mến mộ của khán giả Trung Quốc. Trên đà đó, nhóm nhạc thần tượng năm thành viên thế hệ đầu mang tên H.O.T cũng đã xâm chiếm thị trường âm nhạc Trung Quốc.

Hàng nghìn thanh thiếu niên Trung Quốc đã đổ dồn đến xem buổi biểu diễn riêng của nhóm nhạc HOT tại Bắc Kinh vào năm 2000. Những người hâm mộ trẻ tuổi đã cùng nhau hát theo giai điệu của bài hát Hàn Quốc, tạo nên một bầu không khí vô cùng ấn tượng. Các bộ phim truyền hình cũng như bài hát của các nhóm nhạc, ca sĩ thần tượng Hàn Quốc đã làm dấy lên một làn sóng hâm mộ rộng khắp. Và từ đó, giới truyền thông Trung Quốc đã đưa ra một thuật ngữ mới là “Hallyu” (Hàn lưu), tức Làn sóng văn hóa Hàn Quốc để chỉ hiện tượng này.

Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik giải thích: “Thuật ngữ “Hallyu” bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào cuối những năm 1990. Từ này lần đầu tiên xuất hiện trong một bài báo, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, chỉ hiện tượng văn hóa đại chúng Hàn Quốc nhận được sự hâm mộ cuồng nhiệt ở Trung Quốc. Khởi đầu là buổi biểu diễn của nhóm H.O.T tại Bắc Kinh, “Hallyu” đã trở thành một thuật ngữ phản ánh tất cả những gì thuộc về văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Bước vào những năm 2000, sự xuất hiện của các bộ phim truyền hình nổi tiếng như “Nàng Dae Jang-geum” và “Bản tình ca mùa đông” càng khiến làn sóng Hàn Hallyu lan rộng hơn.”

Khi thuật ngữ “Hallyu” mới xuất thiện, ngay cả người Hàn Quốc cũng nghĩ rằng nó chỉ là xu thế nhất thời và sẽ biến mất sau một hoặc hai năm. Nhưng ngày càng có nhiều phim truyền hình và bài hát K-pop được giới thiệu đến khán giả quốc tế, khiến cho sự quan tâm của thị trường nước ngoài dành cho văn hóa Hàn Quốc cũng tăng lên. Nhiều bài báo, bản tin vào đầu những năm 2000 đã mô tả rất chi tiết cơn sốt Hallyu tại Trung Quốc.

Làn sóng văn hóa đại chúng Hàn Quốc khởi đầu đầy thuận lợi như vậy đã không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà còn vươn ra các thị trường Đài Loan, Hồng Kông và sau đó là khu vực Đông Nam Á. Tình yêu đối với văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã dẫn tới sự quan tâm dành cho các sản phẩm và văn hóa truyền thống Hàn Quốc, chẳng hạn như dưa muối kimchi và tương ớt gochujang.

Sau đây là một bản tin về làn sóng Hallyu ở các nước Đông Nam Á được phát sóng vào ngày 29/11/2002: “Khắp nơi trong trung tâm thương mại ở Việt Nam đều tràn ngập các tấm poster in hình các nghệ sĩ nổi tiếng Hàn Quốc. Các bộ phim Hàn Quốc trở thành sự lựa chọn đầu bảng tại các rạp chiếu phim của Thái Lan. Đồng thời, album, đĩa nhạc của các ca sỹ, nhóm nhạc Hàn Quốc cũng được giới trẻ ở đây săn lùng. Điều đó đã giúp các sản phẩm khác của Hàn Quốc được người tiêu dùng nước ngoài biết tới nhiều hơn, ví dụ như nồi cơm điện sản xuất tại Hàn Quốc đã trở thành mặt hàng điện tử tiêu dùng được ưa chuộng nhất ở Indonesia. Điện thoại di động Hàn Quốc cũng được bán chạy nhất dẫu cho giá thành không hề rẻ. Những chiếc ti vi của Hàn Quốc thậm chí còn đe dọa cả vị trí thống lĩnh trước đó thuộc về ti vi Sony của Nhật Bản. Có thể nói, các sản phẩm mang nhãn mác Hàn Quốc đã thực sự đi vào trái tim người dân Đông Nam Á, khiến cho doanh thu xuất khẩu sang khu vực này cũng theo đó tăng mạnh.”

[Cơn sốt phim truyền hình Hàn Quốc trên toàn châu Á]

Bộ phim truyền hình nổi tiếng “Bản tình ca mùa đông” lần đầu tiên được phát sóng tại Hàn Quốc vào tháng 1 năm 2002. Sau đó, vào tháng 4 cùng năm, phim được xuất khẩu sang Đài Loan rồi tiếp đó là Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản, châm ngòi cho một “cơn sốt” phim truyền hình Hàn Quốc trên toàn châu Á. Đặc biệt, vào tháng 4 năm 2004 tại Nhật Bản, bộ phim đã lên sóng vào giờ vàng, tức là lúc 11 giờ đêm thứ Bảy hàng tuần và luôn đạt tỷ lệ người xem bình quân lên tới 14%. Con số này nhiều gấp ba lần tỷ lệ người xem của các bộ phim truyền hình nước ngoài cũng đã từng được phát sóng vào giờ vàng trước đó. Riêng tỷ lệ người xem tập cuối của bộ phim “Bản tình ca mùa đông” thì đã đạt kỷ lục khi vượt quá 20%.

Sự hâm mộ cuồng nhiệt dành cho “Bản tình ca mùa đông” đã đưa tới một kết quả khác là một số lượng lớn khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản và Đông Nam Á, đổ xô đến tham quan các địa danh vốn là bối cảnh trong phim, chẳng hạn như thành phố Chuncheon, đảo Nami và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Yongpyeong. Nối bước “Bản tình ca mùa đông”, bộ phim “Nàng Dae Jang-geum” kể về cuộc đời của Jang-geum, nữ y sĩ của triều đại Joseon, đã trở thành hiện tượng Hallyu tiếp theo. Ước tính khoảng 3 triệu người ở 89 quốc gia trên khắp thế giới bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Đông đã ngồi trước màn hình dõi theo diễn biến cuộc đời của nàng Jang Geum. Đặc biệt, ở Hungary và Iran, tỷ lệ người xem luôn đạt rất cao, tương ứng là 40% và 90%.

Không chỉ thu hút sự quan tâm của khán giả châu Á, danh tiếng của “Nàng Dae Jang-geum” đã vươn sang cả các nước Trung Đông, châu Phi như Zimbabwe và Tanzania, khu vực Trung Nam Mỹ và châu Âu, góp phần quảng bá ẩm thực và vẻ đẹp của Hàn Quốc ra thế giới.

Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik cho biết: “”Nàng Dae Jang-geum” bao hàm nhiều giá trị mang tính phổ quát. Thay vì chỉ tập trung vào một số khía cạnh độc đáo về kinh tế hay văn hóa của triều đại Joseon, bộ phim đã hướng tới một giá trị lớn hơn, đó là mang tới niềm hy vọng về nghị lực sống để mọi người đều cảm thấy đồng cảm. Thêm vào đó, bộ phim còn đề cập đến ẩm thực, một yếu tố quan trọng trong thành công của nhân vật nữ chính trong phim và đây là điều có thể thu hút bất kỳ khán giả nào ở bất kỳ nền văn hóa nào. Quan trọng hơn, bộ phim thành công còn nhờ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tâm tư tình cảm của người châu Á với kỹ xảo, cách thực hiện của phương Tây, qua đó đã đến được với một thế giới rộng lớn.”

Kể từ sau “Nàng Dae Jang-geum”, các bộ phim truyền hình khác của Hàn Quốc như “Nấc thang lên thiên đường”, “Ngôi nhà hạnh phúc”, “Hoàng cung”, “Vườn sao băng” phiên bản Hàn Quốc đã lần lượt được xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Philippines, Singapore khiến cho Làn sóng văn hóa Hàn Quốc lại tiếp tục dậy sóng ở những nơi này.

[Sự trỗi dậy của K-Pop – âm nhạc đại chúng Hàn Quốc]

Cùng với phim ảnh, một yếu tố khác cũng góp phần thúc đẩy Hallyu tăng trưởng mạnh, đó chính là K-Pop hay âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Năm 2002, album đầu tiên của nữ ca sĩ BoA được phát hành tại Nhật Bản, mang tên “Listen to My Heart” (Lắng nghe trái tim tôi), đã nhanh chóng leo lên vị trí số một trên bảng xếp hạng âm nhạc Oricon của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc đạt được thành tích này, khởi đầu cho một cơn sốt hâm mộ âm nhạc Hàn Quốc. Trên đà này, BoA đã tiến công sang các thị trường khác như Trung Quốc và Đông Nam Á và chinh phục công chúng nơi đây bằng khả năng vũ đạo và giọng hát tuyệt vời của mình.

Nối tiếp thành công của BoA, các nhóm nhạc DBSK (TVXQ), Super Junior, SHINee, Thời đại thiếu nữ SNSD và 2NE1 đã nhanh chóng tiến ra thị trường quốc tế và trở thành các ngôi sao hàng đầu tại nhiều nước châu Á. Một cảnh tượng quen thuộc khi các nhóm nhạc này hạ cánh đến thăm một quốc gia, là sân bay sẽ gần như bị tê liệt với đám đông người hâm mộ chào đón và la hét tên họ. Các bài hát quen thuộc của thần tượng cũng sẽ được các fan học thuộc và hát theo tại nơi trình diễn.

Giữa lúc Làn sóng văn hóa Hàn Quốc bước vào thời kỳ hoàng kim, có một ca sỹ mới xuất hiện nhưng tên tuổi anh đã vượt xa ngoài phạm vi Hàn Quốc. Đó chính là nam ca sĩ Bi – Rain. Anh ra mắt lần đầu tiên vào năm 2002, và đã nhanh chóng trở thành siêu sao ở cả Trung Quốc, Đông Nam Á, tham gia đóng phim bom tấn Hollywood và sau đó được nêu tên trong số “100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới” do tạp chí Time bầu chọn vào năm 2006.

Tầm ảnh hưởng của K-pop không chỉ giới hạn ở đó. Thông qua YouTube, Facebook và các dịch vụ mạng xã hội khác, K-pop đã phủ sóng sang cả khu vực châu Âu và Nam Mỹ. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik nói: “K-pop cuốn hút cả thế giới cũng là nhờ internet. Hàn Quốc đã là nước dẫn đầu về internet từ giữa những năm 1990, nhờ đó những video K-pop đã được truyền tải dễ dàng đến không gian mạng ở châu Âu và Trung Nam Mỹ, qua đó tăng cường sức ảnh hưởng trong giới trẻ vốn rất nhạy bén về công nghệ thông tin.”

[K-pop vươn ra toàn thế giới]

Và đến năm 2012, sự xuất hiện của ca khúc “Gangnam Style” (Phong cách Gangnam) do ca sỹ Psy thể hiện đã tạo nên một cơn sốt càn quét toàn thế giới.
Giai điệu và điệu nhảy ngựa gây nghiện trong “Gangnam Style” đã khiến video này ghi dấu ấn kỷ lục hai tỷ lượt người xem trên YouTube, đứng thứ hai trên bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard (Mỹ) trong bảy tuần liên tiếp và đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn của Anh. Bài hát đã nhanh chóng lan tỏa ra khắp nơi trên thế giới, giúp hâm nóng lại tên tuổi của tay rap Psy, đồng thời đưa K-pop trở thành một thương hiệu riêng trong nền âm nhạc thế giới.

Nhiều thanh thiếu niên trên toàn cầu đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ Hàn Quốc, học chữ Hàn Hangeul để hát được những bài hát K-pop. Nhà bình luận văn hóa đại chúng Kim Heon-sik nêu quan điểm: “Tại thị trường Nhật Bản, K-pop vừa bộc lộ những nét độc đáo khác biệt vừa được thể hiện sao cho phù hợp với thị hiếu người dân Nhật, nên đã chinh phục trọn vẹn trái tim khán giả nơi đây. Ở Trung Quốc, nơi mà chính quyền thường không tán thành các chương trình giải trí phi thực tế, thì các bộ phim truyền hình hoặc các bài hát Hàn Quốc đôi khi mang tính giả tưởng một chút đã trở thành một công cụ giúp người dân Trung Quốc giải tỏa những kìm nén trong lòng. Ngoài ra, những màn vũ đạo bắt mắt của các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc cũng là một yếu tố thu hút nhiều khán giả ở Trung Quốc. Ở các nước như Mỹ và châu Âu thì có nhiều lễ hội và tại đó luôn có màn vũ đạo tập thể. Và âm nhạc cùng các điệu nhảy Hàn Quốc rất phù hợp với không khí lễ hội này. Từ đó K-pop chiếm được cảm tình của đông đảo mọi người khắp thế giới.”

Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu khởi đầu từ các bộ phim truyền hình và K-pop giờ đây đã trở thành đại diện cho nền văn hóa Hàn Quốc nói chung, lôi kéo sự quan tâm và ngưỡng mộ của thế giới. Giáo sư Kim Chang-nam của khoa Báo chí và Phát thanh truyền hình thuộc trường Đại học SungKongHoe cho rằng Hallyu đã góp phần đáng kể trong việc quảng bá hình ảnh và văn hóa Hàn Quốc ra bên ngoài: “Bằng nhiều cách thức, Hallyu đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh và vị thế văn hóa của Hàn Quốc. Và kết quả của nó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như đưa tới sự bùng nổ du lịch đến Hàn Quốc hay khiến vị thế quốc gia của Hàn Quốc được nâng cao hơn trên trường quốc tế. Việc các bộ phim truyền hình Hàn Quốc và K-pop bất ngờ trở nên thịnh hành ở Đông Âu hay Trung Đông, nơi vốn dĩ không phải là đối tác giao lưu văn hóa mạnh mẽ với Hàn Quốc trước đó, cũng đã giúp cải thiện hình ảnh của Hàn Quốc ở những quốc gia này. Đổi lại, Hàn Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến những khu vực đó và đây là cơ hội để có thêm nhiều hoạt động giao lưu văn hóa đem lại nhiều lợi ích.”

Âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc đã vượt qua ranh giới của quốc tịch, tôn giáo và lãnh thổ để chiếm lĩnh trái tim hàng triệu người trên toàn cầu. Đã hơn một thập kỷ kể từ khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc bắt đầu xuất hiện, nhưng sức hút của nó chưa bao giờ giảm và vẫn tiếp tục đóng vai trò cầu nối để thu hút sự chú ý của người dân các nước đối với nền văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc. Có thể nói Hallyu chính là hạt giống ươm mầm cho sự lớn mạnh và sức ảnh hưởng của nền văn hóa Hàn Quốc đối với thế giới.
Phần 39: Làn sóng văn hóa Hàn Quốc vượt khỏi phạm vi châu Á
Theo World.kbs.co.kr

Bài viết cùng chủ đề

Ngôn ngữ Hàn Quốc lan tỏa đến La Habana

Ngôn ngữ Hàn Quốc lan tỏa đến La Habana

Hàn Quốc và Cuba hiên tại vẫn chưa thiết lập...

Tên gọi của người Hàn Quốc

Tên gọi của người Hàn Quốc

Tên của người Hàn Quốc thường gồm ba chữ Hán,...

Các ngày lễ quan trọng của giới trẻ Hàn Quốc

Các ngày lễ quan trọng của giới trẻ Hàn Quốc

Giới trẻ là lứa tuổi rất năng động, có lẽ...

Đăng ký ngay nhận nhiều ưu đãi

Trung tâm còn có nhiều chính sách ưu đãi cho tất cả học viên như là các chính sách giảm học phí, chính sách bảo lưu… Nếu học viên vắng không theo kịp bài giảng, trung tâm sẽ sắp xếp giáo viên dạy kèm vào buổi hôm sau, để đảm bảo tiến độ học tập của học viên.

Chương trình học » Đăng ký học »